Sử dụng thớt sai cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe của cả nhà. Ngay sau đây, Bếp Nhà TV xin chia sẻ các lỗi thường gặp khi dùng thớt.
Bình thường mọi người vẫn có thói quen dùng một chiếc thớt duy nhất để sơ chế các loại thực phẩm từ thịt cá tươi sống đến các loại rau củ. Cách làm này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp công việc chế biến thức ăn dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bạn sẽ phải giật mình nhận ra rằng nó tiềm tàng nguy cơ nhiễm khuẩn chéo, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả gia đình khiến bạn quyết định phải thay đổi.
Tóm Tắc
Sử dụng thớt để cùng cắt thịt và cả rau củ
Chiếc thớt củ tôi dùng để sơ chế thịt, cá, các loại thực phẩm tươi sống. Tôi mua thêm cho mình một chiếc thớt khác màu xanh để dễ phân biệt, chiếc thớt này chỉ dành riêng cho các loại rau củ. Ngoài ra tôi còn một chiếc thớt nhỏ màu trắng để cắt thức ăn chín. Bạn có thể làm theo cách này để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Thao tác trên một chiếc thớt không vững chãi
Tôi đã từng rất khó chịu khi phải thái rau, thái thịt trên một chiếc thớt lật tới lật lui, không chỉ mất thời gian mà có lần tôi đã cắt vào tay mình vì chiếc thớt không vững chắc. Có hai nguyên nhân, đó là mặt phẳng đặt thớt không thực sự phẳng, lồi lõm không ổn định và chiếc thớt bị cong vênh không thể nằm yên trên bàn.
Tôi đã phải thay một chiếc thớt khác và đặt nó trên mặt bàn bếp thật phẳng. Để hạn chế việc thớt bị trượt khi thao tác tôi sử dụng một tấm khăn mỏng lót phía dưới, bạn có thể sử dụng khăn giấy ướt để lót dưới thớt cũng được. Nó giúp cho chiếc thớt ổn định hơn, bên cạnh đó còn hạn chế tiếng ồn phát ra khi bạn chặt mạnh tay.
Chiếc bàn bếp của tôi không quá lớn vì thế những chiếc thớt có kích thước rộng sẽ không thể đặt vừa vì thế tôi chọn một chiếc thớt nhỏ. Thế nhưng chiếc thớt mà tôi nghĩ là lý tưởng ấy lại chính là kẻ cản trở trong quá trình nấu nướng của tôi. Nó làm rơi vãi thực phẩm một cách không thể chấp nhận được, thật bực mình.
Thế là tôi lại đi tìm một chiếc thớt khác. Lần này tôi được mách một mẹo nhỏ đó là đặt dao theo đường chéo của thớt. Một chiếc thớt phù hợp sẽ có diện tích mặt lớn hơn chiều dài của dao.
Vệ sinh thớt không đúng cách
Trước đây tôi thường cho hẳn chiếc thớt vào bồn rửa bát với đầy chén bát trong đó. Và kết quả là chiếc thớt của tôi không còn phẳng như ban đầu nữa, nó bị cong, thậm chí còn có thêm một vài vết nứt.
Bạn biết đấy, một chiếc thớt cong thì bất tiện thế nào, đã thế còn bị nứt thì càng nguy hiểm hơn. Giờ đây, khi đã mua thớt mới tôi đã biết cách vệ sinh nó sao cho đúng. Tôi thường sử dụng nước xà phòng ấm để rửa sạch thớt sau khi sử dụng, còn khi chế biến thịt, cá sống tôi ngâm hẳn thớt trong nước giấm trong khoảng 10 phút rồi rửa lại. Nhờ vậy, chiếc thớt luôn sạch và an toàn.
Hầu như trong mọi gian bếp đều có một chiếc thớt gỗ, bếp nhà tôi cũng vậy. Tôi sử dụng thớt gỗ cũng khá thường xuyên, mỗi lần vệ sinh tôi lại phơi khô thớt. Thế nhưng, chiếc thớt gỗ nhà tôi lại có khả năng hút nước mạnh mẽ mỗi khi đặt các loại thực phẩm tươi sống lên để chế biến. Vì thế, mặc dù vệ sinh thường xuyên chiếc thớt gỗ của tôi vẫn không thể tránh khỏi nấm mốc, điều này vô cùng tai hại vì nó rất dễ bội nhiễm vào thực phẩm, nguy hiểm cho sức khỏe.
Để khắc phục tình trạng này, tôi đã nhờ đến sự trợ giúp của sáp ong. Tôi bôi sáp ong lên thớt trước khi dùng để tạo nên một lớp giáp mỏng bên ngoài, tránh thấm nước cho thớt rất tốt.
Mua thớt không đúng
Các loại thớt bằng kính, cẩm thạch hay corian thường rất đẹp mắt, mang vẻ sang trọng, tôi đã từng bị chúng cuốn hút. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng, chúng chỉ có hiệu quả về mặt thị giác và tốt hơn là nên dùng trang trí cho đẹp mà thôi. Các loại thớt bằng kính hay đá thường rất cứng, vì thế bộ dao yêu quý của tôi sẽ nhanh chóng bị cùn khi cứa liên tục lên những chiếc thớt này.
Trong qúa trình chế biến thực phẩm, tôi nhận ra một điều rằng dù bạn đang dùng thớt gỗ hay thớt nhựa đi chăng nữa thì sử dụng thớt quá cũ là điều kiêng kỵ. Bạn biết vì sao không?
Những vết nứt, vết xước trên thớt chính là nơi trú ẩn lý tưởng của các loại vi sinh vật có hại cho sức khỏe. Chúng sẽ bám vào thức ăn và tác động không tốt đến sức khỏe của bạn và cả gia đình. Đó chính là lý do vì sao tôi thường xuyên thay đổi thớt sau một thời gian sử dụng. Đây là cách làm đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình mình.
Hy vọng các bạn đã có cho mình những kiến thức để phòng tránh sử dụng thớt không đúng cách nhé.
Hãy cùng theo dõi những bài viết mới nhất của Bếp Nhà TV nhé:
- Để có công thức của những món ngon nhất
- Video cách làm món ăn vô cùng đơn giản & dễ hiểu
- Bách khoa món chay cho gia đình bạn
- Blog ẩm thực, khám phá ẩm thực quanh ta