Người dân tộc Mường đã nổi tiếng với rất nhiều món ăn chỉ nghe thôi cũng đã thấy “ngại” khi nghĩ rằng người ta sử dụng chúng để chế biến thành các món ăn như: chuột, nhái, … Không chỉ có vậy, một món ăn đã làm nên thương hiệu của người dân tộc Mường từ xưa tới nay đó chính là món nòng nọc om măng . Món ăn này như thế nào và có điểm gì đặc biệt, hãy cùng khám phá qua bài viết Nòng nọc om măng – thương hiệu ẩm thực của người Mường.
Đất nước ta với 54 dân tộc anh em, dù chiếm phần nhỏ nhưng những đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ vào nền văn hoá ẩm thực độc đáo, sống động của nước ta. Và người dân tộc Mường là một ví dụ điển hình về lĩnh vực này.
Người dân tộc Mường thường sống tập trung ở các huyện miền núi của các tỉnh như Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An … Tuy nhiên, dù sống ở nơi đâu, nét văn hoá ẩm thực của người dân tộc thiểu số này vẫn có một dấu ấn khó mờ nhạt.
Người dân tộc Mường bấy lâu nay đã có thói quen ăn nòng nọc và món ăn này chỉ được dọn ra khi có khách quý tới nhà. Nòng nọc trong tiếng địa phương, người dân tộc Mường gọi nó với cái tên “bu bu”. Vào các tháng 6 đến 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ tờ mờ sáng hoặc là lúc chiều muộn để bắt nòng nọc. Họ thường đi vào thời điểm trên vì nước ở các con suối rất mát và khá yên tĩnh, nòng nọc thường lượn lờ kiếm ăn ở các khe đá nhỏ.
Nòng nọc tại đây có hương vị rất ngon bởi chúng là con do ếch đá sống trong rừng đẻ ra. Chúng thường béo tròn, to bằng ngón tay, khác hẳn nòng nọc dưới xuôi. Người dân tộc Mường sử dụng nòng nọc để chế biến thành rất nhiều món khác nhau như: chiên, xào, chả, nấu, nướng, kho… nhưng có lé món ăn được yêu thích nhất vẫn phải kể đến nòng nọc om măng.
Dụng cụ dùng để bắt nòng nọc rất đơn giản, chỉ cần một chiếc dậm và một chiếc rỏ tre cùng lá khoắn làm mồi nhử. Người có kinh nghiệm chỉ cần khéo léo thả nhẹ từng chiếc lá khoắn vào một chiếc dậm đặt bên khe suối. Sau khi “ngửi” được hơi lá khoắn, hàng loạt nòng nọc từ trong các khe đá sẽ kéo nhau đến tìm ăn. Lúc này chỉ cần nâng nhẹ chiếc dậm, hứng ngược dòng suối là có thể bắt được vô số nòng nọc.
Nòng nọc sau khi bắt về được rửa qua, dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài rồi rửa sạch. Sau đó để cho ráo mới mang đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nấu canh với rau rừng; ướp với sả, ớt để xào, nướng…, nhưng món được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng.
Tất cả nguyên liệu đều phải được chế biến ở dạng tươi mới tạo được vị ngon cho món ăn. Chế biến nòng nọc om măng không đòi hỏi nhiều công đoạn cầu kỳ, ngay nguyên liệu cũng rất đơn giản gồm mẻ, hành, mùi tàu và đặc biệt không thể thiếu măng rừng tươi.
Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tầu lên trên, đợi vài giây là có thể bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu.
Những con nòng nọc mập mạp, béo mẫm và mềm mại nằm yên một cách ngon lành trên bát canh măng om nghi ngút khói là một thứ đặc sản mà không ít người phải ngại ngần khi lần đầu được thưởng thức. Nhưng nếu can đảm nếm thử, gắp một chú nòng nọc cho vào miệng, bạn sẽ thấy một mùi thơm đặc trưng, ăn vào thấy mềm ngọt, phảng phất đâu đó chút vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.
Ngày nay, số lượng nòng nọc bắt được khá ít và không phải lúc nào cũng có để bắt nên nòng nọc được coi là “đặc sản” của đồng bào nơi đây. Nhiều người dưới xuôi khi đến thăm gia chủ người Mường được mời thưởng thức món đặc sản này đánh giá rằng, ăn nòng nọc còn mát và ngon hơn canh cá khoai nhiều lần.
Nòng nọc om măng được xem là một thương hiệu trong văn hoá ẩm thực của người dân tộc Mường nước ta. Món ăn chứa đựng không chỉ là sự sáng tạo trong cách sử dụng những nguyên liệu tự nhiên vào trong bữa ăn mà còn tồn tại một sự hiểu biết khi sử dụng nòng nọc làm “thuốc bổ tự nhiên”. Nếu bạn là một vị khách quý của người dân tộc Mường thì đừng phụ lòng họ mà nếm thử xem những con nòng nọc béo ngậy ấy ngon như thế nào nhé.
Facebook fanpage